Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Việt Nam chính thức xin rút đăng cai ASIAD 18

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ VH,TT&DL rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội năm 2019.

Chiều nay (17/4), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Trước đó, trong những báo cáo và giải trình trước Quốc hội, Bộ VH, TT&DL khẳng định số tiền 150 triệu đủ để tổ chức Asiad. Các công trình thể thao hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng được 80% việc tổ chức Asiad 2019. Ngành thể thao cũng cam kết kinh phí tổ chức Asiad 2019, không tính các nguồn xã hội hóa mà chỉ trong ngân sách, sẽ không vượt quá con số 150 triệu USD.

Việt Nam chính thức xin rút đăng cai ASIAD 18
Việt Nam chính thức xin rút đăng cai ASIAD 18

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nhiệm vụ của Bộ VH,TT&DL là phối hợp với các bộ, ngành liên quan, TP Hà Nội và các địa phương lân cận để tính toán lại khả năng chúng ta có tổ chức được sự kiện Asiad 18. Về việc nên hay không nên tổ chức Asiad 18. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL báo cáo án phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức Asiad 18 để quyết định có lý, có tình trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
Tại cuộc họp chiều nay, Thủ tướng đã nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu về vấn đề tổ chức Asiad. Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng có kết luận:
1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.
2. Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận.
Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).
3. Việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại.
Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo.
Với những lý do trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Kim Anh

 

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Những chuyện 'khó tin' đằng sau lò hỏa táng

Chuyên thành lập doanh nghiệp giá rẻ - uy tín.

Anh Thanh tâm sự: “Làm nghề này không được phép sợ, nhưng thần kinh con người không phải là thép…”. 

Buổi sáng một ngày cuối xuân, tôi đến Đài Hóa thân Hoàn Vũ - nghĩa trang Ninh Hải (thuộc Công ty TNHH MTV phục vụ mai táng Hải Phòng) như đã hẹn với anh Lê Văn Thanh - nhân viên bảo vệ tòa bách linh.
Mới vào đến đầu cổng nghĩa trang đã thấy chật ních người phía khu nhà hỏa táng. Từng nhóm, từng nhóm người đứng chờ đến lượt vào lo hậu sự cho người thân mình đã qua đời. Cách đây tròn 11 năm, khi tôi đến nơi này lần đầu tiên là lo an táng cho mẹ đẻ thì đây là lần thứ 3. Lần thứ 2 là cách đây vài tuần, để lo an táng cho cha chồng.
Quả thật, cái cảm giác ngại ngùng, sờ sợ vẫn đeo bám và âm khí bao phủ không gian càng làm cho cái rét trong người tăng thêm. Thắp hương cho người quá cố xong, trong lúc chờ anh Thanh đang dở công việc ở phòng tiếp dân, tôi thắp một nén nhang ban Thổ thần như muốn xua đi cái lạnh mà không phải chỉ do thời tiết đem lại.
Xong việc, anh Thanh quay lại tiếp chuyện với tôi và cho biết, ngày hôm ấy có tất cả 21 ca, lúc bấy mới có gần 9h. Nhớ lại thời lo hậu sự cho mẹ, năm 2003, khi ấy Đài hóa thân Hoàn Vũ mới thành lập được 1 năm, mới có gần 500 ca hỏa táng, trong đó có gần 100 bình tro của người mất được lưu giữ tại đây thì đến nay, anh Thanh cho biết đã có hàng vạn ca được thực hiện.
Do nhu cầu về hỏa táng cho người mất ở Hải Phòng ngày càng tăng, chưa kể ở các địa phương lân cận, nên công ty đã xây thêm nhiều tòa bách linh. Hiện toàn đài có 1 tòa bách linh để gửi tro người mất vĩnh viễn, gồm 236 ô; 5 tòa khác với tổng cộng 1.624 ô để giữ tro có thời hạn. Ngay đầu năm 2014, đài đã được xây mới thêm tòa bách linh khu E với 260 ô.
Những chuyện 'khó tin' đằng sau lò hỏa táng - Ảnh 1

Tòa bách linh.

Trò chuyện với người bảo vệ tòa bách linh đã có thâm niên làm việc bằng với số “tuổi” của Đài hóa thân - 12 năm, tôi không hề có cảm giác anh Thanh cũng như các đồng nghiệp của mình đang hàng ngày sống giữa cõi âm. Dáng dấp nhanh nhẹn, giọng nói dứt khoát, khoác trên người bộ đồng phục của nhân viên mai táng, anh cho biết anh đã trải qua hết các phần việc của một cuộc an táng người chết.
Khi xe tang đưa quan tài xuống nhà hỏa táng đã có nhân viên đón sẵn để hướng dẫn thân nhân người quá cố vào nhà lễ tang. Xong phần nghi lễ gồm đọc lời chia buồn, vĩnh biệt lần cuối với gia quyến, nhân viên ở đây chuyển thi hài vào phía nhà lò hỏa táng trên diện tích chừng 400m2, nơi đặt 3 lò thiêu. Nhân viên kỹ thuật trong khu nhà lò sẽ nhận được tờ viết lời chia buồn có tên của người quá cố và giữ trong suốt quá trình lò vận hành, nhằm tránh sự nhầm lẫn.
Từ đây cũng bắt đầu công việc của nhân viên chuyên môn vận hành lò thiêu và xử lý tro cốt. Nếu tạp chất là kim loại thì sẽ được lấy ra đem tiêu hủy.
Trong lúc thiêu tạp chất, phần cơ thể đã thành tro được bộ phận xử lý đem làm nguội, sau khoảng nửa giờ, tro nguội được xếp gọn gàng trong tiểu, quách, bảo đảm sạch sẽ, tuyệt đối không mùi. Xong xuôi, quách được chuyển ra phòng lễ tân và các nhân viên tại đây sẽ thực hiện thông báo, trả tro cho thân nhân người chết. Tuyệt đối không được xảy ra một sự nhầm lẫn nào ở công đoạn này - đó là nguyên tắc - anh Thanh khẳng định như vậy.
Lý giải cho chúng tôi về sự tuyệt đối không có “mùi” của thi hài ở trong nhà lò hỏa táng, anh Thanh cho biết, do hệ thống đốt trong lò dùng các téc gas rất sạch sẽ và nhiệt độ trong lò lên tới trên 1.000 độ C. Ngoài ra, trong lò còn sử dụng hệ thống điện để điều khiển đưa lò lên, xuống, làm quạt gió, hút tro bụi… Trung bình mỗi ngày có trên 20 ca hỏa táng thì mỗi tháng các công nhân trong lò thực hiện tới gần 700 ca như vậy.
Nhiều là thế nhưng khi “tất cả” đã trở về tro bụi thì không có một sự phân biệt nào trong việc bảo vệ, quản lý - anh Thanh bộc bạch về việc chăm sóc, trông nom, bảo quản các bình tro tại Đài hóa thân Hoàn vũ.
Với tổng cộng trên 20 năm kinh nghiệm trong nghề mai táng, có hàng vạn ca hỏa táng, anh Thanh và đồng nghiệp ở đây chứng kiến bao cảnh đau đớn phân ly. Bên cạnh những đám tang nghi lễ trang trọng, có những người “ra đi” không “lấy” được một giọt nước mắt nào của người thân. Thế rồi, khi nắm tro còn ấm sực trong bình sứ nhưng những người thân cũng cứ phó mặc cho đài hương khói. Và anh Thanh cùng 5 anh em khác trong bộ phận bảo vệ vẫn thay nhau chăm sóc. Dở khóc dở cười là vậy nhưng sự sẻ chia luôn thường trực ở các anh. Cả khi có những người trước khi đi xa muốn đến thắp hương cho người thân đã mất thì dù cả vào nửa đêm, các anh cũng sẵn sàng mở cửa tòa bách linh. Tuy nhiên, một phút cũng không được bất cẩn.
Đã từng xảy ra chuyện đau lòng ở Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển (Hà Nội) cách đây không lâu về việc 2 anh em cùng mẹ khác cha tranh giành nhau bình tro người mẹ xấu số theo mục đích riêng đến mức cơ quan chức năng phải đứng ra giải quyết…
Theo anh Thanh, việc bảo vệ tòa bách linh có thể phục vụ người thắp hương vào bất kể giờ nào nhưng người đó phải có “Thẻ gửi tro cốt” thì nhân viên mới mở cửa tòa bách linh để tránh việc mất bình tro hoặc người lạ vào yểm bùa hay làm những việc mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự tòa bách linh.
Những chuyện 'khó tin' đằng sau lò hỏa táng - Ảnh 2

Phòng Tiếp dân Đài hóa thân hoàn vũ.

Có lần tôi đã được nghe Thượng tọa Thích Nguyên Bình - sư trụ trì chùa Đồng Quang, thị trấn An Dương, huyện An Dương, nói về các hình thức an táng như: thiêu (hỏa táng); chôn (địa táng); mang thi hài lên rừng cho các con thú phanh ra (lâm táng), lên núi cho kền kền rỉa (điểu táng), thả trôi sông (thủy táng).
Tuy nhiên đến nay, việc hỏa táng trở thành phổ biến vì tính văn minh, hơn nữa, nhà Phật còn cho rằng: nếu người chết “đi” vào giờ trùng thì hỏa táng tránh được tất cả những hệ lụy, ưu phiền. Phải chăng trong nhận thức của xã hội giờ đây đã thay đổi quan niệm về hình thức mai táng này nên nhu cầu về hỏa táng ngày càng gia tăng.
Hiện Đài hóa thân Ninh Hải không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân Hải Phòng mà còn cả của bà con các tỉnh lân cận, thậm chí từ Nghệ An, Thanh Hóa ra. Không ít ca phải thiêu vào đêm, vì thế cả bộ máy của đài thức thâu đêm luôn.
Anh Thanh cho biết, nếu như trung bình hiện tại có khoảng 6.000 ca hỏa táng/năm ở Ninh Hải thì số ca địa táng chỉ vào khoảng 3-400 ca/năm.
Sau gần 12 năm thành lập đài hóa thân và đi vào hoạt động, 44 con người ở đây đã dày dặn kinh nghiệm hơn, từ sự đón tiếp. Hơn thế, người dân cũng thấy hài lòng hơn mỗi ngày bởi ngôi chùa Ninh Hải có trong đài đã hơn 20 năm, nay được Công ty TNHH MTV phục vụ mai táng Hải Phòng trùng tu, nâng cấp bằng tiền công đức của người dân, đã mở cửa hàng ngày để đón các gia đình vào cầu siêu cho các chân linh.
Anh Thanh tâm sự: “Làm nghề này không được phép sợ, nhưng thần kinh con người không phải là thép…”. Là đàn ông nhưng các anh đã phải khóc nhiều lần trước cảnh thương tâm và sự nuối tiếc của gia quyến khi người thân của họ rời xa vĩnh viễn.
Rất nhiều người tò mò hỏi anh đã bao giờ gặp ma thì anh Thanh khảng khái: “Sống giữa cõi âm nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp ma”, cái khái niệm ấy nghe ra rất quen nhưng thực tế không phải vậy. Làm việc mẫn cán, trong các anh đều mang một suy nghĩ “đừng làm phật ý người đã khuất”.
Phải chăng vì ý nghĩ duy tâm ấy mà 44 con người ở đây thấy gắn bó, yên tâm với nghề của mình hơn. Trong câu chuyện về nghề của mình, hằng ngày sống giữa cõi âm nhưng họ vẫn rất lạc quan và cái tâm cái tình của người làm nghề luôn hiển hiện.
Theo Báo An Ninh Hải Phòng

 

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Lộ ‘bí mật động trời’ của Vinaconex sau vỡ ống nước

"Khi dự án đường Láng – Hòa Lạc và đường ống nước sông Đà cùng thực hiện, tôi đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư cùng đơn vị thiết kế dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ “phớt lờ”, không nghe..."

Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội qua các lần đều được đổ lỗi là do nền địa chất trên Đại lộ Thăng Long không ổn định.
Trước sự việc này, trao đổi với PV , ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) khẳng định: Việc vỡ đường ống nước mà cứ “đổ” lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác.
“Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian, chờ đến khi nền ổn định mới xây dựng công trình nên bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định. Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, mà đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc  tới 12 mét, độ sâu từ 4-6 mét so với mặt đất tự nhiên. Mặt khác, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không”, ông Trung khẳng định.
Vậy trước khi thực hiện dự án đường ống nước sông Đà, chủ đầu tư Vinaconex có khảo sát và được cảnh báo về nền đất yếu?
Ông Trung cho hay: Khi dự án đường Láng – Hòa Lạc và đường ống nước sông Đà cùng thực hiện, tôi đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư cùng đơn vị thiết kế dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ “phớt lờ”, không nghe mà cứ làm khi không xử lý nền đất yếu.
"Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Vật liệu này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải".
Ông Nguyễn Sỹ Trung, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải.
Theo ông Trung, tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m.
“Có lẽ do “ngại” việc đội chi phí cùng việc mất thêm nhiều thời gian mà chủ đầu tư cứ làm cho kịp tiến độ mà không xử lý móng của tuyến ống nên mới có kết cục vỡ đường ống nhiều lần. Chính những điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà”, ông Trung nói rõ nguyên nhân.
Trên trang website của Tổng Công ty CP Vinaconex có giới thiệu: ống dẫn nước là ống cốt sợi thủy tinh do Vinaconex sản xuất. Liệu loại ống này có được dùng phổ biến trong để làm đường ống dẫn nước sinh hoạt?
Nói về vấn đề này, ông Trung cho hay ở các nước tiên tiến trên thế giới, đường ống dẫn nước sinh hoạt đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vật liệu ống sợi thủy tinh này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải.
Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, với nền đất yếu không được xử lý từ trước thì bây giờ việc khắc phục vỡ ống đường dẫn nước chỉ là việc làm thụ động. Và khó tránh khỏi việc đường ống dẫn nước này sẽ còn tiếp tục vỡ nhiều lần nữa.
Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư.
Công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010.
Tuy nhiên, chỉ sau ít năm vận hành, đường ống dẫn nước này liên tục bị vỡ khiến hàng chục ngàn hộ dân tại Hà Nội và lân cận khốn đốn, đảo lộn sinh hoạt vì mất nước.

Tin tức nguồn: Xã luận

Thi thuê vào trường Công an giá 250 triệu đồng

7 bị can trong đường dây thi hộ vào trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân vừa bị truy tố về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Ngày 2/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, xác định cầm đầu đường dây là Nguyễn Văn Phượng (từng bị Học viện Kỹ thuật Quân sự đuổi học). Trong số các đồng phạm của Phượng có 3 bị can là cán bộ thuộc lực lượng vũ trang nghỉ hưu.
Theo kết luận điều tra, năm 2012, Phượng đã lôi kéo nhiều người tạo đường dây thi hộ đại học tại các trường thuộc lực lượng vũ trang. Trước khi mùa thi bắt đầu, Phượng trực tiếp tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên có kiến thức tốt ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách khoa, Xây dựng... Để chắc ăn, Phượng còn tổ chức ăn ở tập trung, bồi dưỡng kiến thức cho các thí sinh đóng thế.
Để có “đơn hàng”, Phượng móc nối với các bị can Đậu Đức Hải, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Tôn Doãn, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hương và Lê Quang Báu... xây dựng hệ thống “cò”, tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhờ thi hộ.
Có khoảng 13 sinh viên tham gia vào đường dây. Theo thỏa thuận, mỗi trường hợp thi đỗ, người thi hộ sẽ được trả công 60-100 triệu đồng.
Trong khi đó, Phượng sẽ thu của mỗi trường hợp có nhu cầu thuê người “đóng thế” từ  200 đến 250 triệu đồng và phải đặt cọc trước khoảng 50 triệu đồng. Còn “cò” có thể “thổi giá” lên bao nhiều là tùy thuộc vào thỏa thuận với “khách hàng”. Điển hình, Báu đã thu 1,1 tỷ đồng của 2 trường hợp.
Khi tìm được người thi hộ, Phượng cùng đồng bọn yêu cầu gia đình các thí sinh gửi ảnh thí sinh để lựa chọn “người đóng thế”. Không chỉ tìm người có khuôn mặt giống thí sinh nhất, chúng còn dùng phần mềm photoshop tạo ảnh mới vừa giống thí sinh thật vừa giống người thi hộ để gửi lại cho các gia đình dán vào hồ sơ đăng ký dự thi.
Phượng còn yêu cầu các thí sinh thật không được có mặt tại địa phương vào thời gian diễn ra kỳ thi. Thậm chí, đường dây này còn gửi cả chữ viết của người thi hộ cho thí sinh thật tập viết cho giống để đối phó khi nhập học. Bằng các thủ đoạn trên, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, đường dây này đã tổ chức thi hộ trót lọt cho 5 trường hợp; năm 2013 là 14 trường hợp.
Cơ quan An ninh điều tra xác định, đây là vụ án nghiêm trọng có tổ chức với thủ đoạn phạm tội tinh vi có sự tham gia cấu kết của nhiều người ở nhiều địa phương. Hành vi phạm tội của các bị can là rất nguy hiểm xâm phạm đến sự quản lý nhà nước trong các kì tuyển sinh đại học ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã 2 bị can Nguyễn Như Khải và Trần Văn Chung.
Theo: vnexpress.net

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Không nghe lời Hà Hồ, Anh Thúy "khai" Ban tổ chức Nhân tố bí ẩn có "dàn xếp"

Cách đây vài giờ, Anh Thúy đã đăng tải một status khá dài trên trang cá nhân nhằm trải lòng về sự cố vừa qua.

Sở hữu một giọng hát hay dễ đi vào lòng người kèm theo mặt nạ bí ẩn cùng với câu chuyện tai nạn "bi thảm" thí sinh Huyền Minh trở thành một nhân tố bí ẩn gây tò mò và để lại tình cảm, thậm chí lấy đi những giọt nước mắt của cả giám khảo lẫn khán giả theo dõi chương trình. Nhưng chỉ sau một ngày được phát sóng, Huyền Minh đã bị "lột" mặt nạ bởi chính khán giả và giới truyền thông.

Anh Thúy “đội lốt” Huyền Minh cùng chiếc mặt nạ bí ẩn trên sân khấu X-Factor phiên bản Việt 
Danh tính của Huyền Minh đã được xác định rõ ràng đó là ca sĩ Anh Thuý (thành viên nhóm Mây Trắng). Sự việc vỡ lở khiến cho dư luận trở nên tức giận vì bị lừa gạt lòng tin. Không dừng ở việc chỉ chỉ trích riêng mình Anh Thuý mà "mũi rìu" dư luận còn quay sang các vị giám khảo cũng như ekip tổ chức chương trình.
Im lặng sau khi sự việc xảy ra, nhưng mới đây, Hồ Ngọc Hà bất ngờ đăng tải lên trang cá nhân những dòng suy nghĩ có phần chua xót và "trách" Anh Thuý  về sự giả dối của mình. Tuy không nêu đích danh Anh Thúy nhưng khán giả đều hiểu được rằng người mà giọng ca "Tìm lại giấc mơ" muốn nói đến là Anh Thúy.  

Hà Hồ khuyên Anh Thúy nên dừng lại
Trong status của mình, Hồ Ngọc Hà ví mình và các giám khảo khác như là "diễn viên quần chúng" khi bịAnh Thuý lôi vào màn kịch giả dối. Bên cạnh đó, Hà Hồ còn nhắc nhở Anh Thuý nên dừng việc nói dối vì như vậy sẽ không được sự chấp nhận của cuộc sống.
Ngoài ra, sự việc ồn ào, gây nhiễu loạn thông tin của Anh Thuý cũng làm ảnh hưởng tới danh tiếng của Hà Hồ nói riêng và các vị giám khảo khác nói chung. Chính "màn kịch" của Anh Thúy đã khiến cho "bộ tứ quyền lực" lẫn ban tổ chức của Nhân tố bị ẩn gặp không ít nghi ngờ từ phía dư luận. Khá nhiều người cho rằng ban tổ chức lẫn giám khảo đã "dàn xếp" tình huống của Anh Thúy nhằm gây chú ý cho tập đầu tiên của Nhân tố bí ẩn. 

Hồ Ngọc Hà vừa có chia sẻ mới nhất trên trang cá nhân. Cô chọn trạng thái “cảm thấy hối tiếc” cho status này. 
Sáng nay, Anh Thúy đã trải lòng về scandal của cô trên trang cá nhân. Dường như cô không để ý tới lời nhắn của Hồ Ngọc Hà, khi vẫn lên tiếng để sự việc trở nên căng thẳng hơn. Cựu thành viên nhóm nhạc Mây Trắng viết: 
“Mình biết mọi người đang rất thất vọng và tức giận vì mình đã nói dối hoàn cảnh trên sân khấu. Nhưng sự thật thì lúc đến đăng kí thi với thân phận khác mình chỉ muốn lặng lẽ đi thi rồi khi nào rớt thì lặng lẽ đi về không ai hay biết. 
Nhưng sau khi hát trong vòng sơ tuyển các thí sinh được chọn vào vòng trong đều được phỏng vấn. Các anh chị trong ban tổ chức hỏi han dồn dập mình cho nên trong lúc rối trí và để không ai biết mình là ai, mình đã bộc phát nói đại cho xong rồi về mà không kịp suy nghĩ. 

Status trải lòng của Anh Thúy vô tình để lộ câu chuyện hậu trường của Nhân tố bí ẩn
Cho đến lúc thi vòng hội ngộ thì những cảnh hậu trường của các thi sinh được ghi hình lại theo sự chỉ đạo và sắp xếp của đạo diễn cho từng thí sinh mỗi người mỗi cảnh. Vì lúc đó mình là thí sinh trong thân phận người mới nên người ta kêu mình quay như thế nào thì mình quay như vậy thôi chứ không phải mình tự diễn. Rồi trước khi lên sân khấu thi các anh chị dặn cứ trình bày như trong phỏng vấn để ban giám khảo biết mình là ai. 
Trong tâm trạng rối trí và hoảng loạn của một thí sinh đi thi mà mình còn là một người khác nên mình nói y như khi mình đuợc phỏng vấn mà không suy nghĩ. Nhưng tình cảm mình đặt vào bài hát là thật và khi hát xong mình đã xúc động thật sự nên đã bật khóc chứ không phải mình diễn. Mình không phải là diễn viên tài ba đến như vậy. Mình cảm nhận được tình cảm và sự ủng hộ của mọi người trong thân phận của một người mới nên rất hạnh phúc và đó hoàn toàn là cảm xúc thật. 

Gương mặt đầy thương tích hiện nay của Anh Thúy
Còn vết sẹo và mụn thì trước khi thi vòng hội ngộ cả tháng trời mình đã đi chữa trị nên lúc thi đã bớt sẹo và lúc quay thi đánh kem che bớt. Những hình ảnh mình up lên Facebook đều được chỉnh sửa xoá mụn và sẹo còn đi diễn thì đánh kem và phủ phấn thật dày để không ai thấy. Mình đã sai khi giả làm một người khác để đi thi và chân thành xin lỗi mọi người về hành động thiếu suy nghĩ đó. Nhưng tình cảm và cảm xúc mình đặt vào bài hát là thật nên mới nhận được sự đồng cảm của mọi người. 
Từ trước tới giờ mình chưa từng làm điều gì sai trong sự nghiệp của mình đây là sai lầm duy nhất mà mình mắc phải rất mong mọi người sẽ bỏ qua để mình có cơ hội làm lại một con người mới cùng với sự nghiệp mới”.

Tấm hình được Anh Thúy đăng tải lên Facebook của mình vào ngày 30/03 - ngày tập đầu tiên của Nhân tố bí ẩn lên sóng.
Theo như lời “trần tình" của Anh Thúy thì ban tổ chức Nhân tố bí ẩn đã có sự “dàn xếp" dành cho cô: 
“Nhưng sau khi hát trong vòng sơ tuyển các thí sinh được chọn vào vòng trong đều được phỏng vấn. Các anh chị trong ban tổ chức hỏi han dồn dập mình cho nên trong lúc rối trí và để không ai biết mình là ai, mình đã bộc phát nói đại cho xong rồi về mà không kịp suy nghĩ. 
Cho đến lúc thi vòng hội ngộ thì những cảnh hậu trường của các thi sinh được ghi hình lại theo sự chỉ đạo và sắp xếp của đạo diễn cho từng thí sinh mỗi người mỗi cảnh. Vì lúc đó mình là thí sinh trong thân phận người mới nên người ta kêu mình quay như thế nào thì mình quay như vậy thôi chứ không phải mình tự diễn. Rồi trước khi lên sân khấu thi các anh chị dặn cứ trình bày như trong phỏng vấn để ban giám khảo biết mình là ai”. 
Việc để lộ “bí mật" hậu trường của Nhân tố bí ẩn như hành động vừa rồi của Anh Thúy là vi phạm nguyên tắc trong hợp đồng giữa Ban tổ chức và thí sinh. Đến nay ban tổ chức Nhân tố bí ẩn vẫn chưa lên tiếng về việc để lộ “bí mật” hậu trường của Anh Thúy. 
(Nguồn: www.yan.vn)